Mô hình Scrum là một phương pháp quản lý dự án phát triển phần mềm được sử dụng để quản lý và điều chỉnh các dự án phát triển sản phẩm phức tạp. Cùng Chuyển đổi số CoDX tìm hiểu chi tiết Scrum là gì, cũng như những vấn đề liên quan như các giai đoạn trong quy trình scrum, công cụ hỗ trợ thiết lập phương pháp scrum hiệu quả trong dự án.
Bạn đang đọc bài viết trên trang tin quản trị của CoDX – Nền tảng chuyển đổi số doanh nghiệp toàn diện |
1. Mô hình Scrum là gì?
Mô hình Scrum là một framework (khung làm việc) quản lý dự án và phát triển sản phẩm. Đặc điểm nổi bật của Scrum là sự linh hoạt giúp các nhóm làm việc cùng nhau một cách hiệu quả, cải thiện sản phẩm liên tục, thích ứng nhanh chóng với các thay đổi.
Nhiều thông tin cho rằng phương pháp Scrum được phát triển từ các nguyên tắc của Lean Manufacturing và Agile Software Development. Hiện nay, Scrum không chỉ được áp dụng trong lĩnh vực phát triển phần mềm mà còn được sử dụng trong nhiều lĩnh vực khác như quản lý dự án, tiếp thị, và quản lý sản phẩm.
Các vai trò trong mô hình Scrum (Product Owner, Scrum Master, Team):
- Product Owner là người đại diện cho khách hàng, nhóm phát triển, có trách nhiệm quản lý Product Backlog, xác định các yêu cầu, ưu tiên công việc để đảm bảo sản phẩm đáp ứng được nhu cầu của khách hàng.
- Scrum Master là người đảm bảo rằng quy trình Scrum được thực hiện đúng cách đem lại hiệu quả. Loại bỏ các vấn đề gặp phải, hỗ trợ nhóm tự tổ chức để phát triển liên tục.
- Team là nhóm các chuyên gia chuyên môn thực hiện công việc phát triển sản phẩm trong các Sprint. Team tự tổ chức, chịu trách nhiệm về việc thực hiện công việc, làm việc cùng nhau để đạt được mục tiêu Sprint cung cấp sản phẩm có giá trị cho khách hàng.
2. Nguồn gốc ra đời của mô hình Scrum
Phương pháp Scrum được ra đời vào những năm đầu của thập kỷ 1990, khi Ken Schwaber và Jeff Sutherland, hai nhà phát triển phần mềm, bắt đầu nghiên cứu phát triển mô hình này. Họ đã xuất bản bài báo “Scrum Development Process” vào năm 1995, là một trong những tài liệu đầu tiên giới thiệu định nghĩa về Scrum.
Từ đó, Scrum đã trải qua nhiều giai đoạn phát triển, được áp dụng rộng rãi trong lĩnh vực phát triển phần mềm. Năm 2001, Agile Manifesto được công bố, đánh dấu sự thừa nhận chính thức của phong cách phát triển Agile, trong đó Scrum được coi là một trong những phương pháp quan trọng.
Scrum đã chứng minh sự hiệu quả trong việc tăng cường tập trung vào nhu cầu thực của khách hàng, giảm thiểu rủi ro, tăng cường sự linh hoạt trong quá trình phát triển sản phẩm.
3. Nguyên lý của Scrum là gì?
Trong quy trình scrum, có một số nguyên lý cơ bản phải tuân thủ để đạt được hiệu quả tối đa:
- Sự linh hoạt: Scrum nhấn mạnh vào việc thích ứng nhanh chóng với sự thay đổi, phản hồi từ khách hàng.
- Tính tự tổ chức: Nhóm phát triển có trách nhiệm tự tổ chức, quyết định cách thức thực hiện công việc để đạt được mục tiêu Sprint.
- Phân chia công việc thành các chu kỳ ngắn gọn: Scrum chia công việc thành các Sprint ngắn, mỗi Sprint thường kéo dài từ 1 đến 4 tuần, để tạo ra sản phẩm có khả năng hoạt động đem lại giá trị cho khách hàng.
- Sự tương tác: Scrum khuyến khích sự tương tác chặt chẽ giữa các thành viên trong nhóm dự án và với khách hàng để đảm bảo hiểu biết đầy đủ về yêu cầu, mục tiêu dự án.
- Kiểm soát dự án và phản hồi liên tục thông qua các cuộc họp hằng ngày, các sự kiện Sprint khác như Sprint Review, Sprint Retrospective.
4. 3 Giai đoạn trong quy trình Scrum
4.1 Giai đoạn Sprint
Sprint là một đoạn thời gian ngắn, thường từ 1 đến 4 tuần, được coi là khối lượng công việc có thể hoàn thành trong một khoảng thời gian xác định.
Các bước trong quá trình Sprint:
- Sprint Planning: Product Owner và nhóm phát triển làm việc cùng nhau để xác định các mục tiêu Sprint, lập kế hoạch các công việc cần thực hiện.
- Daily Scrum: Là cuộc họp ngắn hằng ngày, thường kéo dài khoảng 15 phút với mục tiêu là cập nhật tiến độ công việc, đồng bộ hóa công việc trong nhóm, nhận diện để giải quyết các vấn đề đang phát sinh.
- Sprint Review: Cuộc họp này diễn ra ở cuối mỗi Sprint, Product Owner và các bên liên quan đánh giá sản phẩm phần mềm đã hoàn thành, cung cấp phản hồi nếu có.
- Sprint Retrospective: Là cuộc họp cuối cùng của Sprint để đánh giá hiệu suất trong Sprint vừa qua, nhằm cải thiện quá trình làm việc trong các Sprint tiếp theo.
4.2 Giai đoạn product backlog
Product Backlog là một danh sách ưu tiên các yêu cầu, tính năng, các công việc cần thực hiện để phát triển hoặc cải thiện sản phẩm. Product Backlog thường được quản lý bởi Product Owner, được cập nhật liên tục để phản ánh sự thay đổi trong nhu cầu của khách hàng, thị trường.
Product Owner là người chịu trách nhiệm chính về việc quản lý và duy trì Product Backlog, đảm bảo rằng các mục trong Product Backlog được ưu tiên đúng cách, cung cấp giá trị cao nhất cho khách hàng.
4.3 Giai đoạn sprint backlog
Sprint Backlog là danh sách các công việc cụ thể mà nhóm phát triển đã cam kết thực hiện trong một Sprint cụ thể. Sprint Backlog được tạo ra dựa trên các yêu cầu mục tiêu của Product Backlog, được sử dụng để quản lý, theo dõi tiến độ trong suốt Sprint.
Các công việc trong Sprint Backlog được xác định bởi nhóm phát triển trong quá trình Sprint Planning. Sau đó, các công việc được phân chia cho các thành viên trong nhóm để thực hiện. Trong suốt Sprint, Sprint Backlog có thể được điều chỉnh hoặc cập nhật để phản ánh các thay đổi hoặc yêu cầu mới.
5. Các công cụ và kỹ thuật hỗ trợ phương pháp Scrum
5.1 Burndown Chart
Burndown Chart là một biểu đồ thể hiện số lượng công việc còn lại phải hoàn thành trong một Sprint. Biểu đồ này giúp theo dõi tiến độ công việc để đảm bảo rằng nhóm phát triển đang đi đúng hướng mục tiêu của Sprint.
Cách sử dụng Burndown Chart: Burndown Chart được cập nhật hàng ngày sau mỗi cuộc họp Daily Standup Meeting. Trục ngang của biểu đồ thể hiện thời gian (số ngày của Sprint), trục đứng thể hiện số lượng công việc còn lại (thường tính bằng số lượng giờ hoặc điểm công việc). Đường cong giảm dần trên biểu đồ biểu thị số lượng công việc giảm dần theo thời gian, lý tưởng nhất là đường này sẽ đi xuống đến điểm 0 vào cuối Sprint.
Lợi ích của Burndown Chart:
- Giúp nhóm phát triển theo dõi tiến độ công việc một cách trực quan.
- Phát hiện sớm các vấn đề tiềm ẩn nếu tiến độ không đạt yêu cầu.
- Tăng cường tính minh bạch và khả năng dự báo.
5.2 Scrum Board
Scrum Board là một công cụ trực quan giúp nhóm phát triển theo dõi trạng thái của các công việc trong Sprint. Scrum Board thường được chia thành các cột đại diện cho các trạng thái khác nhau của công việc, chẳng hạn như “To Do” (Cần làm), “In Progress” (Đang thực hiện), và “Done” (Đã hoàn thành).
Cách sử dụng Scrum Board: Di chuyển các công việc được liệt kê trên các thẻ (cards) từ cột này sang cột khác khi trạng thái của chúng thay đổi. Scrum Board có thể được làm bằng bảng trắng, sticky notes hoặc sử dụng các công cụ trực tuyến như Jira, Trello.
Lợi ích của Scrum Board:
- Cung cấp toàn diện về tiến độ công việc trong Sprint.
- Giúp nhóm phát triển quản lý công việc hiệu quả hơn và phát hiện sớm các vấn đề.
- Tăng cường sự tương tác giữa các thành viên trong nhóm.
5.3 Daily Standup Meetings
Daily Standup Meeting là cuộc họp ngắn, thường kéo dài khoảng 15 phút, được tổ chức hàng ngày trong thời gian Sprint. Mục tiêu của cuộc họp là để cập nhật tiến độ công việc, đồng bộ hóa công việc trong nhóm, nhận diện và giải quyết các vấn đề đang phát sinh.
Cách thực hiện Daily Standup Meetings: Cuộc họp thường diễn ra vào cùng một thời điểm mỗi ngày, tất cả các thành viên của nhóm phát triển tham gia. Mỗi thành viên trả lời ba câu hỏi:
- Hôm qua tôi đã làm gì để giúp đội hoàn thành mục tiêu Sprint?
- Hôm nay tôi sẽ làm gì để giúp đội hoàn thành mục tiêu Sprint?
- Có trở ngại nào đang cản trở tôi hoặc đội không?
Lợi ích của Daily Standup Meetings:
- Tăng cường sự minh bạch, sự tương tác trong nhóm.
- Giúp phát hiện giải quyết các vấn đề một cách nhanh chóng.
- Giữ cho mọi thành viên trong nhóm tập trung vào mục tiêu Sprint.
5.4 Scrum of Scrums
Scrum of Scrums là một kỹ thuật được sử dụng khi nhiều nhóm Scrum làm việc cùng nhau trên một dự án lớn. Cuộc họp Scrum of Scrums giúp đồng bộ tiến độ và giải quyết các vấn đề liên nhóm.
Cách thực hiện Scrum of Scrums: Đại diện của mỗi nhóm Scrum (thường là Scrum Master hoặc một thành viên có trách nhiệm) tham gia cuộc họp Scrum of Scrums. Cuộc họp thường diễn ra hàng ngày hoặc theo lịch trình định sẵn. Mỗi đại diện trả lời các câu hỏi tương tự như trong Daily Standup Meeting, nhưng với trọng tâm là công việc liên quan đến các nhóm khác.
Lợi ích của Scrum of Scrums:
- Đảm bảo sự phối hợp nhịp nhàng giữa các nhóm Scrum khác nhau.
- Giúp giải quyết các vấn đề liên nhóm một cách hiệu quả.
- Tăng cường sự nhất quán và đồng bộ trong toàn bộ dự án lớn.
Hy vọng những thông tin về mô hình scrum được cung cấp trong bài giúp bạn hiểu và áp dụng hiệu quả quy trình scrum cho dự án nhóm của doanh nghiệp.
THÔNG TIN LIÊN HỆ:
- Hotline: 1900 25 25 81 – Số điện thoại: 0968 61 23 50
- Email: [email protected] | Website: https://www.codx.vn
- Trang Tin tức – Kiến thức Quản trị: https://businesswiki.codx.vn
- Địa chỉ văn phòng: Toà nhà QTSC R&D Labs 1, Lô 45 đường số 14, Công viên Phần mềm Quang Trung, P. Tân Chánh Hiệp, Q.12, Tp. Hồ Chí Minh